You are currently viewing Các Chỉ Số Tài Chính Quan Trọng Nhà Đầu Tư Cần Nắm Rõ

Các Chỉ Số Tài Chính Quan Trọng Nhà Đầu Tư Cần Nắm Rõ

Nắm vững chỉ số tài chính là điều kiện tiên quyết để nhà đầu tư đưa ra các quyết định đúng đắn. Những chỉ số này không chỉ cung cấp cái nhìn tổng quan về tình hình tài chính của một doanh nghiệp mà còn giúp đánh giá tiềm năng đầu tư và mức độ rủi ro. 

Chỉ số tài chính là gì?

Chỉ số tài chính là các công cụ đo lường được sử dụng để đánh giá hiệu quả hoạt động tài chính của một doanh nghiệp. Những chỉ số này cung cấp cái nhìn chi tiết về khả năng sinh lời, thanh khoản và sự ổn định tài chính của doanh nghiệp, giúp nhà đầu tư đánh giá tiềm năng và rủi ro khi đầu tư vào công ty đó. Chỉ số tài chính được tính toán dựa trên các thông tin từ báo cáo tài chính như báo cáo kết quả kinh doanh, bảng cân đối kế toán và báo cáo lưu chuyển tiền tệ.

Tại sao nhà đầu tư cần biết về chỉ số tài chính?

Hiểu rõ các chỉ số tài chính là yếu tố then chốt giúp nhà đầu tư đưa ra các quyết định sáng suốt. Thông qua ý nghĩa của chỉ số tài chính, chủ doanh nghiệp hoặc nhà đầu tư có thể đánh giá chính xác thực trạng hoạt động của doanh nghiệp để dự báo tiềm năng tăng trưởng trong tương lai. Việc hiểu rõ các chỉ số này cũng giúp nhà đầu tư so sánh giữa các doanh nghiệp trong cùng ngành và chọn ra cơ hội đầu tư tốt nhất. 

Các chỉ số tài chính quan trọng

Chỉ số sức khỏe tài chính

Chỉ số sức khỏe tài chính là nhóm các chỉ số tài chính đo lường mức độ an toàn và khả năng thanh toán nợ ngắn hạn của doanh nghiệp. 

  • Tỷ số thanh khoản hiện hành: Tỷ số này được sử dụng để phản ánh khả năng hiện tại của doanh nghiệp trong việc thanh toán các khoản nợ ngắn hạn. Các công ty có số lượng tài sản lưu động lớn sẽ dễ dàng thanh toán các khoản nợ mà không phải bán bớt các tài sản dài hạn tạo ra doanh thu.

Tỷ số thanh khoản hiện hành = Tài sản ngắn hạn/ Nợ ngắn hạn

Nhà đầu tư nên lựa chọn doanh nghiệp có tỷ số thanh khoản hiện hành lớn hơn 1. Tuy nhiên, nếu tỷ số này quá cao thì có thể họ còn nhiều hàng tồn kho hoặc đang sử dụng tài sản lưu động không hiệu quả. 

  • Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu (D/E): Tỷ lệ này thể hiện phần trăm vốn mà doanh nghiệp huy động từ việc vay mượn so với vốn mà công ty đã được đầu tư từ cổ đông. Đây là một công cụ đánh giá mức độ đòn bẩy tài chính của doanh nghiệp.

D/E = Nợ phải trả/Vốn chủ sở hữu

Tỷ lệ D/E lớn hơn 1 có thể là dấu hiệu cho thấy doanh nghiệp đang gặp khó khăn về tài chính, trong khi tỷ lệ D/E thấp hơn 1 cho thấy doanh nghiệp có cơ cấu tài chính lành mạnh. Lựa chọn những doanh nghiệp có tỷ lệ D/E thấp có thể tương đối an toàn vì tiềm lực tài chính tốt, ít rủi ro trong đầu tư.

Chỉ số giá trị thị trường

Chỉ số giá trị thị trường là nhóm các chỉ số tài chính đo lường giá trị của doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán. Các chỉ số này cho biết giá trị doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán giúp nhà đầu tư định giá và đánh giá mức độ hấp dẫn của cổ phiếu doanh nghiệp này so với doanh nghiệp khác tại thời điểm phân tích. 

  • Tỷ lệ giá trên thu nhập (P/E – Price to Earnings): Chỉ số P/E thể hiện mối quan hệ giữa giá cổ phiếu và thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) của công ty. Các công ty có giá cổ phiếu thấp hơn so với EPS thường bị định giá thấp, có nghĩa là giá trị của chúng có thể tăng lên. Tuy nhiên, P/E thấp cũng có thể phản ánh những rủi ro tiềm ẩn. 

Hệ số P/E = Giá thị trường một cổ phiếu thường/ Thu nhập một cổ phần thường

Ví dụ: Giá thị trường tại thời điểm 31/12/2020 của cổ phiếu X là 22.000 đồng, thu nhập trên mỗi cổ phiếu (EPS) trong năm của công ty này là 2.000 đồng. Như vậy, P/E của cổ phiếu X là 11. Nhà đầu tư nên chọn các công ty có tỷ lệ P/E từ 9,0 trở xuống.

  • Tỷ lệ giá trị trên sổ sách (P/BV – Price to Book Value): Chỉ số P/BV so sánh giá cổ phiếu với giá trị sổ sách của công ty. Về mặt lý thuyết, nhà đầu tư có thể mua tất cả cổ phiếu đang lưu hành của công ty, thanh lý tài sản và kiếm được lợi nhuận vì tài sản ròng có giá trị cao hơn vốn hóa cổ phiếu.

Hệ số P/B = Giá trị trường một cổ phần thường/ Giá trị sổ sách một cổ phần thường

P/BV thấp cho thấy cổ phiếu đang được định giá thấp so với giá trị tài sản thực của công ty. Nhà đầu tư nên lựa chọn những công ty có P/B nhỏ hơn 1,20.

Chỉ số hiệu quả kinh doanh

Chỉ số đánh giá hiệu quả kinh doanh là những chỉ số tài chính đo lường mức độ thu lợi nhuận hoặc sinh lời của doanh nghiệp trên cơ sở khai thác hiệu quả các nguồn lực đầu tư. Một số chỉ số đánh giá khả năng sinh lời thường gặp là: 

  • ROA (Return On Assets): Chỉ tiêu này được sử dụng phổ biến trong các báo cáo tài chính để đo lường mức độ sinh lời so với tổng tài sản của một công ty. 

Hệ số ROA = Lợi nhuận sau thuế/ Tổng tài sản bình quân

Ví dụ: Công ty A có thu nhập ròng là 10 tỷ đồng, tổng tài sản là 50 tỷ đồng, khi đó tỷ lệ ROA là 20%. Tuy nhiên, công ty B cũng có khoản thu nhập tương tự trên tổng tài sản là 100 tỷ đồng, ROA của B sẽ là 10%. Như vậy, cùng mức lợi nhuận 10 tỷ đồng nhưng công ty A hiệu quả hơn.

  • ROE (Return On Equity): Chỉ tiêu này phản ánh khả năng sinh lời của vốn chủ sở hữu và được các nhà đầu tư đặc biệt quan tâm khi họ quyết định bỏ vốn đầu tư vào doanh nghiệp.

Hệ số ROE = Lợi nhuận sau thuế/ Vốn chủ sở hữu bình quân

Theo quy chuẩn quốc tế, nếu một doanh nghiệp có chỉ số ROE > 15%, ROA > 7,5% thì chứng tỏ đã hoạt động ổn định trong một thời gian dài, đủ năng lực tài chính và có thể yên tâm đầu tư.

  • Biên lợi nhuận gộp (Gross Profit Margin): Đây là chỉ số thể hiện tỉ suất lợi nhuận của doanh nghiệp nhận được sau khi đã trừ các chi phí gồm giá vốn hàng hóa và chi phí cho hoạt động kinh doanh. 

Biên lợi nhuận gộp = Lợi nhuận gộp/ Doanh thu thuần x 100%

Ví dụ: Doanh thu thuần của công ty A là 800 triệu đồng. Lợi nhuận gộp sau khi trừ chi phí là 400 triệu đồng. Biên lợi nhuận gộp = (400,000,0000 / 900,000,000) x 100% ≈ 44,44%

3 tiêu chí phổ biến để đánh giá biên lợi nhuận tốt là tính ổn định, sự tăng trưởng qua các thời kỳ và so sánh với trung bình ngành. Tỷ suất lợi nhuận gộp nằm trong khoảng từ 50-70% được xem là tối ưu nhất trong các lĩnh vực như bán lẻ, sản xuất hàng hóa, nhà hàng…

Kết luận

Bằng cách hiểu và áp dụng các chỉ số tài chính, nhà đầu tư có thể phân tích tình hình tài chính của doanh nghiệp, đánh giá tiềm năng tăng trưởng và quản lý rủi ro. Truy cập mục Blog và theo dõi fanpage UVote để cập nhật những thông tin mới nhất về thị trường và kiến thức đầu tư tài chính!

Trả lời